Thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long
Việc đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) luôn được Bộ Giao thông vận tải quan tâm. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng đang được Bộ Giao thông vận tải xúc tiến đầu tư và chuẩn bị hoàn thành, từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông tại khu vực này theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, đồng thời tạo cú hích đánh thức tiềm năng thị trường bất động sản địa phương.
1. ĐBSCL phấn đấu khởi công 3 tuyến quốc lộ trong năm 2025
Thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Bộ này đã lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến quốc lộ gồm: Quốc lộ 53, Quốc lộ 62, Quốc lộ 91B tại khu vực ĐBSCL và đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư 3 tuyến quốc lộ này.
Nâng cấp cải tạo 3 tuyến quốc lộ tại ĐBSCL. Nguồn: Báo điện tử - Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tập trung triển khai các bước tiếp theo để phấn đấu khởi công dự án trong năm 2025, hoàn thành năm 2027. Cả 3 tuyến quốc lộ này được nâng cấp, cải tạo đạt tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h; mặt cắt ngang nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m bao gồm 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ và lề đường rộng mỗi bên 0,5m.
Bộ Giao thông Vận tải cũng tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là khoảng 9.329,9 tỷ đồng, trong đó, vốn vay của WB khoảng 6.285,37 tỷ đồng được sử dụng cho các hạng mục gồm chi phí xây dựng, thiết bị trước thuế, chi phí tư vấn giám sát thi công và một số dịch vụ tư vấn theo chính sách của WB trước thuế, chi phí dự phòng cho các hạng mục trên; vốn đối ứng khoảng 3.044,53 tỷ đồng được sử dụng cho các hạng mục chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng còn lại, chi phí khác, chi phí giải phóng mặt bằng…
Các tuyến Quốc lộ 53, 62, 91B sau khi hoàn thành sẽ từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ kết nối khu vực các tỉnh, thành phố Long An, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực ĐBSCL.
2. ĐBSCL phấn đấu đưa cầu Đại Ngãi 2 về đích trong năm 2025
Bộ GTVT cũng cho biết thêm hiện phần tuyến và các công trình trên tuyến (Km 0+000 - Km 7+150 và Km 10+180 - Km 15+140) của cầu Đại Ngãi 2 đã cơ bản hoàn thành công tác đào bóc hữu cơ và đắp bao đường công vụ (10,43km), tiến độ đã hoàn thành trên 35% giá trị gói thầu.
Đến nay sản lượng thi công cầu Đại Ngãi 2 đạt 50% (vượt tiến độ 8%). Dự kiến bắt đầu lắp dầm vào tháng 11/2024, phấn đấu cơ bản hoàn thành kết cấu nhịp vào tháng 5/2025, hoàn thành toàn bộ cầu Đại Ngãi 2 trong năm 2025. Sau khi hoàn thành, sẽ kết nối Cù Lao Dung với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, tạo điều kiện giao thương hàng hóa phát triển kinh tế. Ngoài ra, đánh thức các tiềm năng về thương mại dịch vụ, du lịch, phát triển kinh tế về nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, thương mại dịch vụ.
Dự án xây dựng cầu Đại Ngãi (bắc qua sông Hậu) có tổng chiều dài toàn tuyến 15,14km, điểm đầu giao với Quốc lộ 54 (thuộc xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh) và điểm cuối giao với quốc lộ Nam Sông Hậu (xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng).
Phần tuyến được thiết kế với quy mô đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h, với 4 làn xe, tổng vốn đầu tư gần 8.000 tỷ đồng. Dự án được khởi công ngày 15/10/2023, dự kiến hoàn thành năm 2026. Dự án xây dựng cầu Đại Ngãi gồm 2 công trình cầu chính (cầu Đại Ngãi 1, dự kiến khởi công trong quý IV/2024 và Đại Ngãi 2) được đầu tư hoàn chỉnh với 4 làn xe.
Phân tuyến đầu tư phân kỳ với giai đoạn 1 gồm 2 làn xe với bề rộng mặt cắt ngang là 12m, vận tốc thiết kế 80km/h, mặt đường cấp cao A1. Cầu Đại Ngãi hoàn thành giúp nối thông toàn tuyến Quốc lộ 60, nâng cao năng lực vận tải cho vùng ĐBSCL, tạo vành đai kết nối các tỉnh duyên hải miền Tây với TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, giúp giảm áp lực giao thông trên quốc lộ 1, rút ngắn được khoảng 80km từ Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu đi TP. Hồ Chí Minh và ngược lại so với đi tuyến Quốc lộ 1 hiện hữu.
3. Gần 400.000 tỷ đồng nâng cấp hạ tầng giao thông tại ĐBSCL
Bộ Giao thông vận tải cho biết để thực hiện các quy hoạch ngành, việc đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL cần tới 391.200 tỷ đồng, tập trung các dự án trọng điểm, liên kết vùng, tạo động lực lan tỏa.
Cần hơn 7.100 tỷ đồng nâng cấp QL53, QL 62, QL91B. Nguồn: Báo Giao thông.
Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn số 2573/BGTVT-KHĐT gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang trả lời kiến nghị cử tri gửi về đầu tư, triển khai các dự án giao thông tại khu vực ĐBSCL.
Theo Bộ Giao thông vận tải, trong thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, Bộ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các địa phương trong vùng ĐBSCL tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và đạt được những kết quả nhất định.
Theo đó, về đường bộ cao tốc, hiện vùng ĐBSCL được đưa vào khai thác 120 km và đang triển khai thi công và phấn đấu cơ bản hoàn thành đến năm 2025 thêm 428 km.
Về đường sắt, đang triển khai nghiên cứu xây dựng đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ.
Về đường thủy nội địa, hoàn thành nâng cấp 6 tuyến vận tải thủy chính kết nối vùng ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ, nâng cấp giai đoạn 1 kênh Chợ Gạo; đang tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 kênh Chợ Gạo, cải tạo, nâng cao tĩnh không cầu trên các tuyến đường thủy phía Nam.
Về cảng biển, hoàn thành đầu tư xây dựng và khai thác khu bến Cái Cui, Hoàng Diệu (Cần Thơ), cảng Vinaline (Hậu Giang), cảng Duyên Hải (Trà Vinh); luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2.
Về cảng hàng không, Bộ Giao thông vận tải cho biết hiện đã hoàn thành đầu tư, nâng cấp 4 cảng hàng không trong khu vực bao gồm: Cần Thơ, Phú Quốc, Cà Mau và Rạch Giá với tổng công suất 7,45 triệu hành khách/năm và 12.000 tấn hàng hoá/năm phục vụ nhu cầu vận tải, kết nối trực tiếp với các tỉnh thành trong nước và quốc tế. Hiện đang nghiên cứu đầu tư nhà ga hàng hóa tại cảng hàng không Cần Thơ.