Sóc Trăng phát triển đô thị tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội
Sóc Trăng hiện đang tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ chương trình chuyển đổi số, hướng đến mục tiêu hoàn thành chuyển đổi số đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững; hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước.
1. Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2030 có 25 đô thị
Đó là phương án tổ chức hệ thống đô thị được nêu trong Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 25/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Sóc Trăng đầu tư kết cấu hạ tầng để hút nguồn vốn ngoài ngân sách. Nguồn: Báo Dân trí.
Nội dung Quy hoạch đặt mục tiêu tổng quát phát triển đến năm 2030: Sóc Trăng là một trong những tỉnh phát triển khá của vùng ĐBSCL; có công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển, nông nghiệp hiện đại và bền vững; hình thành cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề và có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; có hệ thống đô thị phát triển theo hướng xanh, thông minh, bền vững; có đủ năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh và hạnh phúc.
Tầm nhìn đến năm 2050: Sóc Trăng trở thành khu vực phát triển động lực của vùng ĐBSCL gắn với phát triển cảng biển Trần Đề; là tỉnh có kinh tế phát triển khá của cả nước, vận hành theo phương thức chính quyền số, kinh tế số và xã hội số đối với các hoạt động kinh tế - xã hội; các ngành sản xuất, dịch vụ thông minh với các mô hình kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Các lĩnh vực xã hội phát triển hài hòa; môi trường và cảnh quan thiên nhiên được gìn giữ. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.
Về phương án phát triển hệ thống đô thị: Khi có đủ điều kiện, tiêu chí theo quy định, phấn đấu đến năm 2030 phát triển hệ thống đô thị của tỉnh gồm 25 đô thị: 01 đô thị loại I, 02 đô thị loại III, 09 đô thị loại IV và 13 đô thị loại V, với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40 - 45%. Đến năm 2050, hệ thống đô thị của tỉnh gồm 31 đô thị: 01 đô thị loại I, 01 đô thị loại II, 02 đô thị loại III, 09 đô thị loại IV và 18 đô thị loại V.
Về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030:
Đến năm 2025: Thực hiện sắp xếp đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân dân số dưới 200% quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định.
Đến năm 2030: Thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn lại có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% quy định.
Đồng thời, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều dự án khu đô thị, khu nhà ở được đầu tư xây dựng mới. Hiện toàn tỉnh có khoảng 40 dự án nhà ở thương mại với đa dạng loại hình nhà ở, diện tích và mức độ tiện nghi, không chỉ đáp ứng nhu cầu chỗ ở của người dân, mà còn góp phần tạo diện mạo mới cho các đô thị.
Hệ thống hạ tầng giao thông đô thị tại các thị trấn, thị xã và TP. Sóc Trăng đã được đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo, bảo đảm đáp ứng nhu cầu giao thông, tạo mỹ quan đô thị. Nhiều tuyến hẻm tại các đô thị được cải tạo, mở rộng; hệ thống thoát nước được duy tu, sửa chữa; hệ thống cây xanh, chiếu sáng trên các tuyến đường chính được quan tâm đầu tư, góp phần quan trọng trong việc chỉnh trang đô thị; các nút giao và hệ thống an toàn giao thông được thường xuyên duy tu, bảo dưỡng.
2. Thành phố Sóc Trăng hướng đến đô thị loại I
Sau 03 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 11/7/2021 của Tỉnh ủy về “xây dựng thành phố Sóc Trăng phát triển bền vững đạt tiêu chí đô thị loại II, hướng đến đô thị thông minh, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, thành phố Sóc Trăng đã hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu quan trọng Nghị quyết đã đề ra. Kinh tế - xã hội thành phố Sóc Trăng phát triển toàn diện, đời sống của nhân dân từng bước được nâng cao, tháng 4 năm 2022 thành phố Sóc Trăng được Thủ tướng Chính phủ công nhận đô thị loại II trực thuộc tỉnh, sớm 3 năm so với Nghị quyết. Đó là tiền đề quan trọng để thành phố Sóc Trăng vươn lên, phấn đấu đạt các tiêu chí đô thị loại I.
Phát triển khu đô thị trung tâm, bất động sản Sóc Trăng “lên ngôi”. Nguồn: Tạp chí Xây dựng.
Theo đánh giá của đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Sóc Trăng đã phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực và hoàn thành nhiều chỉ tiêu Nghị quyết 05-NQ/TU đề ra. Để sớm đạt các tiêu chí đô thị loại I, trong thời gian tới, thành phố cần quan tâm, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế. Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển đô thị. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Đồng thời, có giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của đô thị văn minh.
Với khát khao phát triển thành phố Sóc Trăng trở thành đô thị văn minh, Thành ủy Sóc Trăng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tổ chức triển khai, thực hiện; quán triệt, tuyên truyền đến các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm vì mục tiêu chung. Một trong những giải pháp quan trọng được thành phố Sóc Trăng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong thời gian qua chính là thực hiện các quy hoạch khu dân cư, khu đô thị. Trên cơ sở quy hoạch chung được tỉnh phê duyệt, thành phố đã lập quy hoạch phân khu đạt gần 100% trên nền diện tích hiện trạng. Cùng với đó, thành phố tập trung quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, các dự án hạ tầng chiến lược trên địa bàn thành phố như: Dự án nâng cấp đô thị - Tiểu dự án thành phố Sóc Trăng; Dự án đường Vành đai I, đường Vành đai II, Khu tái định cư số 1, cầu Nguyễn Văn Linh...
Song song đó, hệ thống kết cấu hạ tầng từng bước được thực hiện đồng bộ; các công trình công cộng, dự án nhà ở, công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị như hệ thống giao thông, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh... được đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo và phát triển. Giai đoạn 2021-2024, thực hiện cải tạo, nâng cấp, sửa chữa 66 hạng mục giao thông với kinh phí khoảng 227 tỷ đồng. Để thành phố phát triển xứng tầm đô thị loại II, thành phố huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư công hàng năm để đầu tư các công trình, dự án phục vụ phát triển đô thị; đến nay, đã và đang thực hiện 89 dự án, tổng kinh phí trên 771 tỷ đồng, phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ sẽ giải ngân 100% vốn phân cấp.
Công tác kiểm soát, khắc phục, xử lý các nguồn gây ô nhiễm môi trường, nhất là tại các kênh mương trong nội ô thành phố, cơ sở sản xuất, kinh doanh được tăng cường chỉ đạo. Trong 03 năm qua, thành phố đã nạo vét, khắc phục ô nhiễm tại 103 tuyến kênh mương với chiều dài 95 km, kinh phí thực hiện trên 12,6 tỷ đồng; thực hiện nạo vét hệ thống thoát nước, kinh phí hơn 133 tỷ đồng.
Các thiết chế văn hoá được quan tâm đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Phong trào xây dựng nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn ngày càng được quan tâm, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển mạnh, từng bước nâng cao ý thức của người dân trong giao tiếp, ứng xử nơi công cộng.
Cùng với đổi thay trong diện mạo, cơ cấu kinh tế thành phố tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, đặc biệt lĩnh vực thương mại - dịch vụ ngày càng phát triển cả về quy mô và chất lượng dịch vụ. Từ năm 2021 đến nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng bình quân hàng năm từ 16%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp có mức tăng trưởng bình quân hằng năm từ 9 - 13%/năm. Lĩnh vực nông nghiệp được đẩy mạnh, nhiều mô hình nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ, tiến bộ khoa học vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tính đến nay, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 01ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 203 triệu đồng.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội, giảm nghèo có sự chuyển biến rõ nét. Hằng năm, thành phố đầu tư kinh phí hơn 10 tỷ đồng/năm để cải tạo, sửa chữa và nâng cấp các điểm trường trên địa bàn; đến nay, toàn thành phố có 27/35 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 77,14%. Chất lượng khám và chữa bệnh ở các cơ sở y tế ngày càng được nâng cao. Thành phố thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho gia đình chính sách, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai đồng bộ. Từ năm 2021 đến nay, thành phố đã vận động xã hội hóa trên 7,2 tỷ đồng để chăm lo 24.450 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng bảo trợ khác. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,51%; mức sống người dân ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người tính đến cuối năm 2023 đạt 99,4 triệu đồng.
Một trong những điểm nhấn quan trọng đó là công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, Chính phủ số đạt nhiều kết quả. Từ năm 2021 đến nay, thành phố đã rút ngắn thời gian giải quyết 07 thủ tục hành chính, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến một phần đạt 52%, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 56%. Đặc biệt, thành phố vận hành, khai thác có hiệu quả Trung tâm điều hành đô thị thông minh, trong đó trang bị trên 120 camera giám sát an ninh, góp phần hỗ trợ công tác kiểm tra về chấp hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường. Kết quả từ khi triển khai đến nay đã phát hiện trên 5.620 trường hợp vi phạm giao thông; nhắc nhở hoặc xử phạt trên 240 trường hợp vi phạm bỏ rác không đúng nơi quy định; tiếp nhận và xử lý kịp thời hơn 350 ý kiến phản ánh, góp ý của tổ chức, cá nhân. Công tác cán bộ cũng là khâu then chốt, hằng năm, có từ 70% cán bộ, công chức được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực thi công vụ; tỷ lệ cán bộ phường có trình độ từ trung cấp trở lên đạt 100%; 99% công chức phường có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên và có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm.