Cần hơn 19.000 tỷ đồng khởi động siêu cảng’ Trần Đề

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng, việc xây dựng bến cảng cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa, tăng cường kết nối, giảm chi phí vận tải và khối lượng hàng hóa tiếp chuyển lên các cảng biển Đông Nam Bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

1. Cảng Trần Đề được quy hoạch thế nào?

 

Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 25/8/2023 định hướng tỉnh này trở thành cửa ngõ chính ra biển Đông của vùng ĐBSCL - vùng đồng bằng lớn nhất Việt Nam, là trung tâm đầu mối của vùng về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics với trọng tâm là cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề. Phấn đấu đến năm 2030 sẽ hình thành cảng biển ngoài khơi Trần Đề.

Điều chỉnh quy hoạch Cảng biển Sóc Trăng và Bến cảng Trần Đề. Nguồn: Báo Kinh tế đô thị

 

UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết dự án bến cảng ngoài khơi Trần Đề có quy mô lớn với cầu cảng dài 5.300 mét, hệ thống đê chắn sóng dài 9.800 mét, cầu vượt biển dài 17,8 km…

 

Như vậy, với việc xây dựng cầu vượt biển dài 17,8km, dự án bến cảng ngoài khơi Trần Đề sẽ sở hữu cầu vượt biển dài nhất Việt Nam, dài hàng đầu Đông Nam Á, "soán ngôi" của cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện (Hải Phòng) dài 5,4km.

 

Khu vực hậu cần cảng và logistics, có tổng diện tích khoảng 4.000ha, sẽ được xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp thoát nước, điện động lực, hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống thông tin liên lạc hiện đại để thu hút các nhà đầu tư thuê mặt bằng.

 

Cảng Trần Đề khi hoàn thành xây dựng, nâng cấp sẽ trở thành cảng đặc biệt, sẽ có khả năng đón nhận các loại tàu lớn như tàu tổng hợp và tàu container tải trọng lên đến 100.000DWT (tương đương 6.000-8.000 Teus), tàu hàng rời 160.000DWT.

 

Theo phương án sử dụng đất của dự án cảng biển Trần Đề, sẽ có gần 2.500ha đất làm lấn biển, hơn 460ha đất rừng phòng hộ, và hơn 440ha đất là sông ngòi, kênh rạch…

 

Đồng thời, sẽ đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác bao gồm: cấp điện, cấp nước, thoát nước, phòng cháy chữa cháy và các công trình phụ trợ khác đảm bảo hoạt động khai thác cho toàn bộ khu cảng cho từng giai đoạn.

 

Khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics có tổng diện tích khoảng 4.000ha. Khu này cơ sở hạ tầng bao gồm: san lấp mặt bằng, xây dựng đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp thoát nước, điện động lực, hệ thống phòng cháy chữa cháy, thông tin liên lạc để kêu gọi nhà đầu tư thuê cơ sở hạ tầng…

 

Về phát triển cơ sở kết cấu hạ tầng cảng Trần Đề, tỉnh kiến nghị xin hỗ trợ từ ngân sách trung ương kết hợp xã hội hóa xây dựng một số hạng mục thuộc Bến cảng Trần đề theo các dự án thành phần.

 

Đồng thời, đề xuất một số cơ chế chính sách hỗ trợ về thủ tục, phát triển nguồn hàng và cơ chế chính sách đối với khai thác cát, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; đề xuất thành lập Khu kinh tế Trần Đề, trong đó có khu công nghiệp, khu chế xuất và khu phi thuế quan tại Khu bến cảng Trần Đề, nhằm mục đích tạo động lực phát triển cho Sóc Trăng trong việc thu hút nhà đầu tư và tạo nguồn hàng cho cảng Trần Đề.

 

Quy mô dự kiến Khu kinh tế ven biển Trần Đề dọc theo cửa biển Trần Đề và vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng khoảng 40.000ha, với định hướng là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa chức năng, nhằm khai thác, phát huy đồng bộ, hiệu quả cảng biển nước sâu Trần Đề.

 

Về logistics, tỉnh kiến nghị xây dựng Khu hậu cần cảng, logistics gắn với dự án cảng biển; có giải pháp phát triển nguồn hàng thông qua thu hút phát triển sản xuất, ưu tiên quỹ đất phát triển khu công nghiệp gần cảng, có chính sách phát triển hoạt động trung chuyển hàng hóa quốc tế; phân luồng hàng hóa giữa Khu bến cảng Trần Đề và các cảng khác trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và Cái Mép - Thị Vải.

2. Sóc Trăng phát huy lợi thế kinh tế biển

 

Ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, theo quy hoạch được phê duyệt, vùng kinh tế - xã hội ven biển của tỉnh sẽ được tập trung phát triển các ngành kinh tế biển chiến lược, quan trọng như: kinh tế hàng hải; nuôi trồng và khai thác thủy hải sản; năng lượng tái tạo; công nghiệp và dịch vụ gắn kinh tế biển; tài nguyên khoáng sản biển. Việc phát triển kinh tế của vùng bảo đảm nguyên tắc khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các tài nguyên biển và hải đảo, trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế - xã hội, bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Đồng thời, bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo; bảo đảm an ninh, trật tự trên biển và triển khai tốt các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

Trần Đề phát triển thành trung tâm kinh tế biển của Sóc Trăng. Nguồn: Báo Lao động.

 

Tới đây, vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng và khu Trần Đề sẽ được phát triển thành Khu kinh tế ven biển Trần Đề quy mô dự kiến khoảng 40.000ha. Nơi đây được định hướng là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa chức năng, nhằm khai thác, phát huy đồng bộ, hiệu quả cảng biển nước sâu Trần Đề khi được bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đáp ứng các điều kiện theo quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Hiện hai bên bờ Kinh Ba thuộc khu neo đậu tránh trú bão là dãy nhà to lớn với thiết kế hiện đại; các phương tiện đánh bắt cũng to lớn và hiện đại hơn; đội ngũ thương lái, doanh nghiệp chế biến cũng hội tụ về đây ngày một đông đúc, cho thấy, kinh tế biển nơi đây đã có sự phát triển và hiện đang là một trong những lĩnh vực kinh tế quan trọng của huyện Trần Đề nói riêng và của tỉnh nói chung.

 

Nếu chỉ tính riêng về nghề khai thác biển, Trần Đề vốn đã có lợi thế rất lớn về dịch vụ hậu cần nghề cá. Cảng Trần Đề được xếp vào nhóm 15 cảng cá lớn trên toàn quốc và có vị trí rất thuận lợi, khi vừa gần ngư trường khai thác, vừa có khu công nghiệp, vừa kết nối được các tuyến giao thông quan trọng với các tỉnh, thành, như: tuyến Quốc lộ nam Sông Hậu, Quốc lộ 60, Quốc lộ 1A, cùng mạng lưới tỉnh lộ đấu nối vào. Các hoạt động khai thác biển không chỉ được gắn kết với cảng cá Trần Đề, hay xa hơn là Khu Công nghiệp Trần Đề, mà còn được kết nối với thành phố Sóc Trăng thông qua tuyến đê bao ngăn mặn và đường phục vụ an ninh quốc phòng, ứng cứu tàu thuyền vùng biển huyện Trần Đề, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát huy toàn diện lợi thế về kinh tế biển. Đây cũng chính là một trong những điều kiện hấp dẫn, thu hút ngày càng đông lượng tàu khai thác ngoài tỉnh vào sử dụng các dịch vụ hậu cần của cảng.

 

Còn theo phương án quy hoạch hệ thống đô thị, thì Trần Đề được định hướng đến năm 2030, cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV, là thị xã trực thuộc tỉnh và định hướng phát triển thành thị xã với hướng phát triển không gian chính là hướng về thành phố Sóc Trăng và ven sông Hậu. Khi đó, Trần Đề sẽ là trung tâm kinh tế biển của tỉnh Sóc Trăng, được tập trung phát triển mạnh về công nghiệp, thương mại, dịch vụ hậu cần cảng biển, vận tải, hàng hải, các khu sản xuất công nghiệp, năng lượng tái tạo ven biển, du lịch biển và đô thị biển; gắn kết với cảng biển ở cửa ngõ Trần Đề, Khu kinh tế ven biển Trần Đề, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.


 

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN

--> -->
Loading...